Truyền thuyết cây cà phê
Có một truyền thuyết khá thú vị về cây cafe như sau. Một chàng chăn cừu tên là Kaldi, trong một lần đưa đàn cừu đi ăn, anh quan sát thấy những con cừu ăn thứ trái cây lạ màu đỏ bỗng nhảy nhót vui vẻ bất thường. Anh nếm thử thứ trái cây lạ này và cảm thấy tinh thần vô cùng sảng khoái và dồi dào năng lượng. Anh đã báo cho các vị tu sĩ ở đó biết. Thoạt đầu họ nghĩ đó là thứ trái cấm đã đưa quỷ dữ đưa đến và quyết định đem đốt thứ hạt này. Tuy nhiên mùi hương toả ra từ những hạt lạ khi bị đốt càng thơm khiến họ muốn nếm thử. Quả thật, tinh thần của họ sảng khoái lạ thường. Họ quyết định biến nó thành một thứ thức uống trước mỗi buổi hành lễ.
Tuy nhiên đó chỉ là truyền thuyết. Sự thật thì cây cà phê có nguồn gốc ở Ethiopia (trước đây có tên là Kaffa). Chính những người nô lệ bị bắt từ Ethiopia để sang Ai Cập đã mang loại quả này đi theo. Sau đó chúng nhanh chóng trở thành thứ thức uống được người Ai Cập hết sức ưa chuộng.
Đến thế kỷ thứ 18, những người Hà Lan đầu tiên đã mang được cà phê ra ngoài lãnh thổ Ai Cập và đến trồng ở xứ Martinique. Sau đó người Pháp và Brazil cũng mang được loại quả này về quê hương của mình. Đó là bước đầu để cafe được trồng ở khắp nơi trên thế giới.
Vành đai cà phê
Cây cà phê có thể được trồng nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên chỉ có những vùng nằm trong vành đai cà phê; nơi hội đủ những điều kiện về thổ nhưỡng, độ cao, khí hậu và thời tiết.. Cây cà phê sẽ sinh trưởng, phát triển tốt và tạo ra những hạt cafe chất lượng cao, hương vị phong phú.
Vành đai cafe chính là khu vực nằm dọc theo đường xích đạo, giữa đường vĩ tuyến 23 độ Bắc và vĩ tuyến 23 độ Nam. Những vùng đất nằm trong ranh giới này kết hợp với độ cao 500-2,000 mét so với mực nước biển, thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, lượng mưa phù hợp là điều kiện lý tưởng để cây cafe sinh trưởng và phát triển.
Các nước trồng cà phê trên thế giới
Có khoảng 75 quốc gia nằm trong vành đai cà phê nhưng chỉ có 60 quốc gia có thể trồng cà phê. Trong đó:
Châu Phi là cái nôi của cà phê. Vùng đất này có đa dạng giống và chủng loại, nơi bảo tồn những nguồn gen đặc thù có giá trị. Các quốc gia trồng cafe ở Châu Phi có thể kể đến như Ethiopia, Uganda, Kenya, Tanzania…
Châu Mỹ được xem là trang trại cà phê thế giới. Cà phê ở đây có hương vị êm dịu và cân bằng, hương hoa, cam, chanh và gia vị, thể chất nhẹ. Các nước trồng và xuất khẩu cà phê: Brazil, Colombia, Honduras, Mexico…
Châu Á chỉ khoảng 8 quốc gia trồng cà phê. Trong đó có Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Yemen,… Hương vị cà phê của Châu Á có mùi đất đặc trưng, hương vị ngọt và hương chocolate, hơi đắng, thể chất đậm.
Hương vị cà phê theo độ cao
Độ cao là yếu tố tiên quyết tác động đến chất lượng cà phê. Độ cao có tầm quan trọng như chính nguồn giống. Cây cà phê được canh tác càng cao thì chu kỳ sinh trưởng càng kéo dài, sự tích lũy dinh dưỡng trong hạt diễn ra chậm hơn, kết quả là hương vị phong phú hơn, hạt cứng chắc và nặng hơn.
Tất nhiên ngoài độ cao thì chất lượng đất, lượng mưa, khí hậu,… cũng là yếu tố quyết định chất lượng hạt cafe. Tuy nhiên về cơ bản thì tính chất hạt cafe biến đổi theo độ cao như sau:
- 600m: Cà phê ở độ cao này thường có vị đắng đậm, hương vị đơn giản.
- 600- 760m: Tại độ cao này cafe có hương vị nhạt, mùi đất.
- 760-910m Lúc này cafe bắt đầu có vị ngọt, êm dịu.
- 910-1200m: Tại độ cao này cà phê có đặc trưng cam chanh, chocolate, vanilla.
- 1200-1600m: Cà phê có hương vị phong phú, hương trái cây, hương hoa.
Hạt cà phê du nhập vào Việt Nam
Năm 1875, người Pháp đã mang giống cafe Chè (Arabica) từ Bourbon sang trồng ở các tỉnh phía bắc và miền trung như Xuân Mai, Sơn Tây, Quảng trị, Bố Trạch,…Tuy nhiên năng suất của cây cà phê ở những vùng này rất thấp, chỉ khoảng 400 – 500 kg/1 hecta.
Sau đó họ đã mang hạt cafe giống đi trồng ở rất nhiều nơi, lập các đồn điền ở các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các loại cà phê mới như Robusta (cà phê Vối), Mitcharichia (cà phê Mít) cũng được đem đi trồng thử nghiệm. Từ đó cafe trở thành loại cây công nghiệp phổ biến nhất ở Việt Nam.
Vùng trồng cà phê ở Việt Nam
Ngày đó người Pháp đem thử nghiệm cafe tại các đồn điền trên khắp cả nước. Các vùng có khí hậu thuận lợi cho cafe phát triển đã được mở rộng, những vùng cho năng suất thấp sẽ bị loại bỏ. Đồng thời họ cũng đã tìm ra được nơi trồng thích hợp cho mỗi giống cafe.
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều vùng trồng được cà phê, có thể kể đến như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Nguyên, Nam bộ. Tuy nhiên, xét về điều kiện khí hậu thì các tỉnh thuộc Tây Nguyên là thích hợp nhất cho cây cafe phát triển. Vì vậy, loại cây này được trồng nhiều ở đây. Các đồn điền cà phê với năng suất rất cao, chất lượng cà phê hảo hạng được ra đời, đặc biệt là Đắk Lắk và Gia Lai.
Tuy vậy, những giống cafe ngon nhất, với chất lượng cao nhất được biết đến thường có xuất xứ từ Đà Lạt của Lâm Đồng. Điều kiện về độ cao, nhiệt độ, nguồn nước và ánh sáng nơi đây là vô cùng thuận lợi cho các loại cây hàng đầu như Moka, Robusta, Bourbon sinh sống.
Các loại cà phê phổ biến ở Việt Nam
Điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa tại Việt Nam rất phù hợp cho cây cafe phát triển, đặc biệt là các loại cà phê có chất lượng cao như: Arabica, Robusta, Cherry.
Cà phê Arabica
Arabica thuộc họ Rubiaceae, chi Coffea, tiếng Việt được gọi là cà phê Chè do đặc điểm của nó là lá nhỏ, thân cây thấp giống như cây chè ở Việt Nam. Arabica có nguồn gốc từ Tây Nam Ethiopia. Sau đó theo chân người Pháp đến Việt Nam. Đây chính là loại cafe được trồng đầu tiên ở nước ta.
Trong họ cafe, Arabica có rất nhiều giống khác nhau và hầu như chúng đều là những loại cà phê hảo hạng nhất. Có thể kể đến một số cái tên như: Typica, Bourbon, Caturra, Mundo Novo, Catuai, Catimor, Moka.
Robusta
Có đến 39% sản lượng cafe trên thế giới là thuộc dòng Robusta (1). Thân cây của Robusta cao hơn, nhiều nhánh và lá cây to hơn so với Arabica.
Mùi vị của Robusta không được đánh giá cao bằng Arabica. Vì vậy giá cả chỉ bằng 1 nửa so với Arabica. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của giống cafe này chính là hàm lượng caffeine rất cao, chiếm khoảng 2 – 4% hạt cafe trong khi Arabica chỉ có 1 – 3%.
Xem thêm: Cà phê Arabica và Robusta – 11 Điểm khác biệt giữa hai dòng cafe
Cà phê Cherry
Cherry hay còn gọi là cà phê Chari, cà phê Mít có nguồn gốc từ Ubangui Chari, gần sa mạc lớn nhất thế giới Sahara. Chính vì vậy loại cây này có đặc điểm khá cao lớn, thân và lá to để chứa nước và có thể sinh trường tốt ở những nơi thời tiết khô hạn.
Quả của Chari to hơn những giống khác tuy nhiên năng suất lại không cao. Về mùi vị thì nó cũng không được đánh giá cao bằng Arabica hay Robusta nên ngày nay được trồng rất ít ở nước ta.
Ngoài các giống cà phê kể trên, trên thị trường còn nhắc nhiều đến dòng Culi đột biến, mang cả hương vị của cafe Arabica và Robusta.
Hoa cà phê
Hoa cafe chỉ nảy mầm trong điều kiện nhiệt độ thấp hoặc được cung cấp nước sau một thời gian khô hạn kéo dài khoảng 2 đến 3 tháng. Thông thường những mùa có khí hậu nắng nóng xen kẽ mưa sau vài tháng sẽ giúp hoa cafe nở đúng lúc, cho năng suất cao hơn.
Biết được nguyên lý nở của hoa cà phê, người trồng sẽ có biện pháp cung cấp nước và chất dinh dưỡng thích hợp để tăng năng suất của mùa vụ. Tuy nhiên cần lưu ý tránh thời tiết xấu, mưa kéo dài, đặc biệt là sương muối sẽ làm hoa cafe bị thối, giảm đáng kể năng suất.
Cấu tạo và thành phần của quả cà phê
Cấu tạo của quả cafe
Trong một quả cafe có 6 phần chính: cuống, vỏ quả, vỏ thịt, vỏ trấu, vỏ lụa và nhân hay còn gọi là hạt cà phê.
Phần cuống cafe
Là phần liên kết giữa quả và cành cây, cuống cà phê cần phải dẻo dai. Điều này giúp quả cafe không bị rụng do tác động tự nhiên bên ngoài nhưng phải giòn để dễ thu hái.
Vỏ quả
Đây là lớp bỏ ngoài cùng của trái cafe, có chức năng bao bọc và bảo vệ các phần bên trong. Khi chưa chín, vỏ cà phê sẽ có màu xanh lá cây và khi chín sẽ chuyển dần sang màu đỏ hoặc vàng tùy giống cà phê. Phần vỏ của các loại Arabica sẽ mềm và nhỏ hơn so với Robusta và Chari.
Vỏ thịt
Vỏ thịt của cà phê có vị ngọt nhẹ, có thể ăn được. Trong cách tạo nên cafe Chồn, con chồn sẽ ăn và hấp thụ phần vỏ thịt và thải phần nhân ra. Phần vỏ thịt của Arabica có vị ngọt và mềm nhất, trong khi đó cà phê Chari có vỏ thịt dày hơn cả.
Phần vỏ trấu
Đây là lớp vỏ khá cứng sau khi được phơi khô để bảo vệ nhân cafe. Sau khi thu hoạch cafe, người ta sẽ loại bỏ đi vỏ ngoài. Vỏ thịt và phần chất nhờn, chỉ còn vỏ trấu và hạt bên trong. Khi chế biến, lớp vỏ trấu này cũng được loại bỏ và có thể dùng để làm chất đốt, ủ phân rất tốt.
Lớp vỏ lụa
Vỏ lụa là phần rất mỏng và mềm bao bọc chung quanh nhân cà phê. Mỗi loại cafe đều có màu sắc vỏ lụa khác nhau. Theo đó, vỏ của Arabica có màu trắng, cà phê Robusta có màu nâu nhạt còn lớp vỏ lụa của cafe Chari thì có màu vàng nhạt.
Nhân cafe
Đây chính là thành phần tạo nên giá trị cho cây cafe. Nhân cà phê được chia thành 2 phần: phần ngoài cứng gồm những tế bào nhỏ chứa chất dầu, phần trong có những tế bào lớn và tương đối mềm. Ngoại trừ những trường hợp như cafe chỉ có 1 nhân, hoặc hy hữu là 3 nhân thì đa số mỗi hạt cà phê đều có 2 phần bằng nhau.
Thành phần hóa học của quả cafe
Trong một quả cà phê hoàn chỉnh sẽ có rất nhiều thành phần khác nhau. Mỗi thành phần đều rất quan trọng để tạo nên hương vị cho nhân cafe.
Vỏ quả
Trong phần vỏ quả cafe có chứa nhiều chất Antoxian nên khi chín quả thường có màu đỏ. Ngoài ra phần vỏ quả còn chứa nhiều các chất như caffeine, Alkaloid, Tannin và rất nhiều loại enzim khác.
Vỏ thịt
Lớp vỏ thịt chứa chủ yếu là các chất nhớt và những tế bào mềm. Phần này chứa rất nhiều đường khiến quả cafe có vị ngọt, bên cạnh đó là chất hỗ trợ quá trình lên men Pectinase khiến vị của nhân cà phê ngon hơn.
Vỏ trấu
Vì được bao bọc ngay bên ngoài nhân nên lớp vỏ trấu cũng được thừa hưởng một lượng caffeine đáng kể, lên đến 0.4% trọng lượng quả cafe.
Nhân cà phê
Trong nhân cafe chín hoàn toàn, lượng nước chiếm đến 10 – 12%, sau đó là 10 – 13% Lipid, 9 – 11% Protein, 5 – 10% đường và 3 – 5% tinh bột. Mỗi chủng loại cà phê đều có thành phần hóa học khác biệt tạo nên hương vị đặc trưng. Ngoài ra, nếu chế biến tối ưu thì cũng giúp cải thiện chất lượng rất nhiều.
Đặc trưng các chất có trong nhân cà phê
Nước
Khi sấy khô, cafe đạt chuẩn phải có từ 10 – 12% nước ở dạng liên kết. Sau khi rang con số này khoảng 2 – 3%. Khi lượng nước nhiều hơn, việc bảo quản sẽ vô cùng khó khăn. Nhân cà phê sẽ bị ẩm mốc ảnh hưởng rất nặng đến chất lượng.
Lipid
Trong 10 – 13% Lipid của nhân cafe thì có đến 90% là chất dầu, còn lại là sáp.
Protein
Protein trong cà phê tuy thấp nhưng lại có rất nhiều các loại axit amin tốt. Khi rang, lượng Protein này sẽ bị cháy và tạo ra mùi thơm đặc trưng và mùi vị của cafe có rất nhiều đóng góp của thành phần này.
Các chất khoáng
Hàm lượng chất khoáng trong nhân cafe chiếm từ 3 – 5% chủ yếu là các loại như Magie, Kali, Nito, Photpho, Clo, Sắt, lưu huỳnh,… Những loại cafe ngon thường có rất ít hàm lượng chất khoáng vì chúng ảnh hưởng không tốt cho mùi vị cả cà phê.
Caffeine
Đây chính là đặc trưng khiến cafe khác biệt với những loại quả và hạt khác. Caffeine chính là nguồn gốc của những lợi ích từ việc uống cà phê, giúp tinh thần thoải mái và tràn đầy năng lượng. Lượng caffeine trong các loại cafe là khác nhau, trong đó Robusta có hàm lượng caffeine cao nhất.
Các phương pháp sơ chế cà phê
Hiện nay có 3 phương pháp sơ chế cafe phổ biến là sơ chế khô, sơ chế ướt và sơ chế honey. Mỗi cách làm đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.
Chế biến khô
Đây là phương pháp mà ngay sau khi thu hoạch, người ta sẽ đem phơi nguyên quả cafe dưới ánh nắng mặt trời và gió. Phương pháp này có ưu điểm là dễ làm, không mất nhiều công sức. Tuy nhiên nó lại có nhược điểm cực kỳ lớn là khiến hạt cafe lâu khô hơn, dễ bị ẩm mốc từ bên trong. Đặc biệt là khi gặp thời tiết bất lợi, không phơi được thì rất dễ xảy ra hiện tượng ẩm mốc dẫn đến chất lượng cafe không được cao.
Chính vì những nhược điểm trên mà người ta rất ít chế biến theo phương pháp này, đặc biệt là đối với những loại cà phê cao cấp như Arabica.
Tuy nhiên, nếu chế biến khô được thực hiện đúng cách: tỉ lệ trái chín cao, như phơi trên giàn, đúng thời gian và nhiệt độ, tránh ẩm mốc thì vị cà phê có thể tốt hơn các phương pháp chế biến khác.
Chế biến ướt
Đối với những loại cà phê chất lượng cao, người ta sẽ dùng phương pháp sơ chế này để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Quá trình làm sẽ mất nhiều công sức hơn, nhưng bù lại giá trị của cafe thành phẩm sẽ cao hơn rất nhiều.
Ngay sau khi được thu hoạch (chỉ thu hái những hạt đã chín, lượng hạt xanh phải được hạn chế đến mức tối đa), người ta sẽ đem quả cà phê đi xay xát. Sau đó cho qua nước để đãi, lọc hết lớp vỏ nhớt bên ngoài rồi đem phần nhân còn lại đi ủ cho lên men. Quá trình lên men chỉ được hoàn tất khi phần vỏ trấu trở nên nhám và sạch nhớt.
Cuối cùng nhân cafe sẽ được đem đi rửa sạch và phơi, sau đó loại bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài là ra hạt thành phẩm.
Quá trình phơi cũng rất công phu, không được phơi trực tiếp trên nền đất vì sẽ bị hút ẩm. Khi phơi cần rải đều để tất cả hạt được khô đều, quá trình phơi kết thúc khi cắn hạt không bị vỡ. việc này đòi hỏi kinh nghiệm khá nhiều từ người nông dân.
Cà phê được chế biến bằng phương pháp ướt sẽ có vị trong sáng, cân bằng và thể chất nhẹ.
Chế biến Honey
Cách chế biến này cũng khá giống với chế biến ướt. Tuy nhiên người ta sẽ không loại bỏ hết hoặc giữ lại toàn bộ phần chất nhớt trước khi đem phơi khô. Chính điều này sẽ tạo cho nhân cafe thành phần màu nâu đen giống với mật ong, đúng với tên gọi của cách chế biến Honey.
Những loại cà phê được chế biến theo cách này sẽ giữ lại được khá nhiều độ ngọt và tăng phần hương vị khi thưởng thức.
Phương pháp chế biến Honey cho hương vị phong phú, vị ngọt, thể chất mượt mà, vị chua thanh và trái cây chín.
Rang xay cafe
Tại sao phải rang cà phê
Quá trình rang sẽ tác động đến các thành phần hóa học có trong cafe, đặc biệt là caffeine, lipid và protein để biến đổi chúng, tạo nên hương thơm và mùi vị đặc trưng khi uống.
Ngoài ra, việc rang cà phê cũng giúp cho quá trình xay được diễn ra dễ dàng hơn do loại bỏ được gần hết lượng nước bên trong hạt, chỉ còn lại nước trong chất béo và sáp. Chính vì vậy, khi pha bột cafe sau khi rang với nước sẽ dễ dàng lấy được hương vị hơn.
Quá trình biến đổi chất của hạt cà phê trong khi rang
Việc rang cà phê sẽ được bắt đầu từ lúc nhiệt độ đạt 100 độ C cho đến khi kết thúc ở 240 độ C. Trong quá trình gia nhiệt này, những thành phần trong cà phê sẽ bắt đầu biến đổi:
Khi đạt 100 độ C
Lượng nước bên trong sẽ bắt đầu bốc hơi khiến nhân cafe co lại.
Từ 0 – 150 độ C
Lượng nước tiếp tục mất đi, nhân cafe bắt đầu thay đổi màu sắc sang vàng nhạt. Quá trình teo nhỏ vẫn tiếp tục và kèm theo đó là mùi thơm bắt đầu bốc lên.
Từ 150 – 180 độ C
Nếu giữ nhiệt ở mức 150 độ C, nhân cafe sẽ từ màu vàng nhạt chuyển sang nâu nhạt. Lúc này cần gia nhiệt lên 180 độ C để cafe bốc mùi thơm hơn. Quá trình teo nhỏ kết thúc, thay vào đó là việc trương nở thể tích do các thành phần bên trong bắt đầu.
Từ 180 – 200 độ C
Trong quá trình gia nhiệt từ 180 lên 200 độ C, hạt cà phê đã trương nở ra hết sức, mùi thơm bốc lên ngào ngạt, các thành phần bên trong đã có thể dễ dàng đem đi xay nhuyễn. Tuy nhiên lúc này mà đem đi xay thì thành phẩm sẽ chưa đạt chất lượng tốt nhất và không có vị chua.
Từ 200 – 210 độ C
Hạt cà phê bắt đầu trương nở đến mức nổ tung, khói bắt đầu bốc lên tạo hương thơm ngát và lan tỏa đi xa hơn.
Từ 210 – 230 độ C
Hạt cà phê tiếp tục trương nở do giải phóng Cacbon dioxit và nổ nhiều hơn.
Từ 230 – 240 độ C
Hạt lúc này sẽ có màu nâu đậm, mùi hương nồng nàn, các thành phần bên trong cũng được biến đổi để đạt được hương bị tốt nhất. Lúc này là thích hợp nhất để đem đi xay nhuyễn và bắt đầu pha chế.
Lưu ý, quá trình rang cafe là quá trình gia nhiệt cho hạt. Nhiệt độ bên trên là nhiệt độ tích luỹ bên trong hạt cafe. Tuỳ theo mục đích rang và phương pháp pha chế mà các thợ rang có thể chọn dừng quá trình rang ở nhiệt độ nào. Hoặc nếu thực hiện rang trên máy rang có hiển thị đồ thị nhiệt theo thời gian, người thợ rang cũng có thể kết thúc quá trình rang theo thời gian tuỳ thuộc vào mục đích pha chế.
Các loại cafe thành phẩm
Hiện nay có rất nhiều cách chế biến khác nhau của cà phê, vì vậy có rất nhiều loại thành phẩm khác nhau. Mỗi loại đều có ưu thế riêng của mình.
Cafe rang xay nguyên chất
Loại cafe này được đem rang và xay ra thành bột. Đây là loại cafe được chế biến từ 100% hạt cà phê tự nhiên, không hề có bóng dáng của bất kỳ loại chất phụ gia nào khác như đậu, bắp hay ngũ cốc. Ưu điểm của cà phê nguyên chất là giữ được những gì đặc trưng nhất của cà phê, những người sành uống và yêu thích loại hạt này sẽ thích dùng cà phê nguyên chất rang mộc.
Bảo quản cafe
Cafe dạng bột có thể được bảo quản tối đa trong 2 năm từ lúc rang và xay nếu được làm đúng cách. Đặc biệt trong vòng 14 ngày sau khi xay, cần được cho vào bao bì kín, để ở những nơi khô ráo, tránh ẩm ướt để không bị mất đi lượng caffeine và hương vị.
N
Cũng có thể bảo quản cafe trong van 1 chiều hoặc hút chân không. Đây là một cách bảo quản cực tốt khiến không khí bên ngoài không thể vào trong làm thúc đẩy quá trình oxy hóa tự nhiên trong cafe.
Nguồn: Bonjour Coffee